Đánh thức Núi Pháo từ dự án “ngủ quên”

Oct 17, 2017

Núi Pháo sở hữu một khu mỏ lộ thiên nằm trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, với lượng khoáng sản vonfram, florit, bismut, và đồng lớn. Chỉ sau 5 năm mua lại dự án mỏ Núi Pháo, Tập đoàn Masan đã đánh thức mỏ Núi Pháo và thiết lập một chuẩn mực mới trong ngành khai thác khoáng sản tại Việt Nam.

Mỏ Núi Pháo áp dụng quy chuẩn khắt khe nhất trong hoạt động khai thác chế biến khoáng sản.

Đôi nét về mỏ đa kim Núi Pháo

Núi Pháo sở hữu một khu mỏ lộ thiên nằm trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, có các trữ lượng khoáng sản vonfram, florit, bismut, và đồng. Vonfram là nguyên tố thiết yếu được sử dụng trong nhiều ngành công nghiệp quan trọng: động cơ tên lửa, máy bay, ô tô, máy tính, điện thoại di động và quốc phòng.

Tháng 3/2014, mẻ vonfram và đồng đầu tiên của Núi Pháo xuất xưởng. Việc dự án Núi Pháo đi vào vận hành là một cột mốc quan trọng có ý nghĩa quốc tế vì Núi Pháo là mỏ vonfram mới đầu tiên trên thế giới chính thức đi vào hoạt động trong vòng 15 năm qua, với ưu điểm là một trong những nhà máy vonfram có chi phí sản xuất thấp nhấp thế giới.

Ngoài vị thế là nhà khai thác và chế biến khoáng sản vonfram lớn nhất thế giới, mỏ Núi Pháo còn được coi là một trong những mỏ phức hợp nhất thế giới với 4 dòng sản phẩm trên một thân quặng duy nhất bao gồm vonfram, đồng, bismuth và florit.

Kết thúc năm 2016, doanh thu thuần của Masan Resources (MSR), công ty mẹ của mỏ Núi Pháo là 4.043 tỷ đồng, tăng 52,3% so với 2.658 tỷ đồng trong năm 2015. Lợi nhuận EBITDA tăng 66,1% so với cùng kỳ, từ 1.237 tỷ đồng lên 2.055 tỷ đồng. Lợi nhuận thuần sau lợi ích cổ đông thiểu số l10 tỷ đồng.

Theo Nghị quyết Đại hội đồng Cổ đông Thường niên 2017, MSR đặt mục tiêu đạt doanh thu thuần 5.380 đến 5.600 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 150 đến 290 tỷ đồng trong năm 2017. Tăng trưởng này đến từ việc Công ty đưa vào vận hành các hệ thống mới giúp thu hồi vonfram hiệu quả hơn, nhu cầu cho vonfram ngoài Trung Quốc không ngừng gia tăng, các biện pháp cải thiện chi phí, các hợp đồng thu mua dài hạn từ các đối tác quốc tế và sự phục hồi của giá vonfram toàn cầu.

Ở mỏ Núi Pháo có gần 1.000 lao động là con em địa phương được tuyển dụng và đào tạo thành công nhân mỏ.

Cam kết “làm đúng ngay từ đầu”

Ngay từ những ngày đầu phát triển dự án, MSR đã xác định phải là “làm đúng ngay từ đầu”. Công ty áp dụng quy chuẩn khắt khe nhất trong hoạt động khai thác khoáng sản mỏ để giảm thiểu tối đa ảnh hưởng đến môi trường và cộng đồng địa phương.

Mới ngày nào, những bờ ta luy còn ngổn ngang đất đá, nay đã xanh màu cỏ non trải rộng như tấm thảm mượt mà; những cây keo trồng xung quanh nhà máy cũng xanh tốt, cao gần bằng nóc nhà tựa như bức tường xanh chắn bụi, tiếng ồn… tạo cảm giác dễ chịu.

Khác với các đơn vị của Việt Nam đa phần là cứ đổ thải đến đâu thì mới làm nền, làm tường đến đó, Núi Pháo thì lu lèn nền chắc chắn xong rồi xây dựng bờ kè bãi thải rồi mới tập kết chất thải. Bờ kè thì cứ 10 mét lại làm một bờ kè mới, tức là phải làm móng thì mới xây nhà, nhà rộng bao nhiêu thì phải làm móng rộng trước ra bấy nhiêu.

Còn đối với cộng đồng cư dân vùng dự án Núi Pháo, sau khi nhường đất cho dự án, họ đã được đền bù vật chất và tinh thần tương xứng. Họ không chỉ được tạo việc làm, đào tạo nghề, nâng cao thu nhập mà còn được hưởng những công trình hạ tầng cơ sở do MSR tài trợ. Vùng đất Đại Từ lân cận với mỏ  Núi Pháo hôm nay không còn khó khăn như xưa, đời sống vật chất, tinh thần và cơ sở hạ tầng đã được nâng lên một cách rõ rệt.

Cụ thể, tính đến thời điểm tháng 12/2016, tổng ngân sách dành cho công tác bồi thường, hỗ trợ kinh tế và tái định cư của Núi Pháo cho cộng đồng địa phương là hơn 2.500 tỷ đồng. Hơn 1.300 hộ bị ảnh hưởng bởi dự án đã được hỗ trợ toàn bộ chi phí để ổn định cuộc sống và tái định cư. Ngoài ra, hàng chục nghìn hộ dân còn  hưởng lợi hạ tầng khang trang như đường sá, nhà văn hoá, nhà thờ….

Chính sách phát triển con người bền vững

Tại Núi Pháo, ban quản lý còn thường xuyên thực hiện chương trình trao thưởng Ngôi sao tháng. Đây là hoạt động nhằm ghi nhận những nhân viên có thành tích xuất sắc trong công việc, có các sáng kiến ứng dụng giúp tăng hiệu suất, giảm chi phí.

“Chuyến thăm Núi Pháo là chuyến thăm quan thú vị và ấn tượng nhất mà tôi từng tham gia. Tôi đã nghe rất nhiều phản ánh tích cực từ các thành viên của đoàn tham quan và tôi nghĩ rằng chuyến thăm quan đã để lại rất nhiều ấn tượng tốt về Dự án Núi Pháo” 

 Bà Stephanie Henry, Giám đốc chính sách, Trung tâm Quốc gia APEC

Ông Craig Bradshaw, Tổng giám đốc của Masan Resources cho biết, những “Ngôi sao tháng” đã góp phần mang lại lợi nhuận cao, nhiều sáng kiến bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người lao động nhiều khi vô giá vì không thể định lượng được giá trị. Đó chính là những nhân viên tiêu biểu có thể chắc chắn thay thế được người nước ngoài trong tổ chức vận hành nhà máy.

Ông Craig Bradshaw muốn đảm bảo rằng dự án Núi Pháo sẽ trở thành hình mẫu cho ngành công nghiệp khai thác khoáng sản ở Việt Nam bằng việc đẩy mạnh phát triển cộng đồng và bảo vệ môi trường bền vững.

Hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh và chính sách nhân sự góp phần đưa Núi Pháo thành nơi có chế độ chính sách và phúc lợi xã hội thuộc loại tốt nhất trong ngành khoáng sản. Tính đến thời điểm này, có gần 600 lao động từ vùng bị ảnh hưởng đã được Công ty đào tạo và sau đó tuyển dụng làm việc cho nhà máy (chiếm 56% lực lượng lao động của Công ty).

Đặc biệt, có 113 nhân viên là đồng bào thuộc 6 dân tộc thiểu số (Tày, Nùng, Dao, Cao Lan, Sán Chỉ, Sán Dìu). Thu nhập bình quân của cán bộ, công nhân viên cao nhất trong các doanh nghiệp cùng ngành trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đạt 10,7 triệu đồng/người/tháng và thuộc nhóm thu nhập cao trong các công ty khai khoáng.

Ngoài ra, gần 300 lao động bị ảnh hưởng đã được đào tạo và bố trí việc làm tại Công ty Liên doanh Núi pháo- H.C.Starck cùng số lượng tương đương tại các nhà thầu và đơn vị cung ứng của Núi Pháo.

Với quy mô và công nghệ hiện đại, mỏ Núi Pháo còn có dịp đón tiếp các đoàn nghiên cứu, khảo sát, góp phần nâng cao chất lượng nhân sự ngành khai khoáng. Đơn cử ngày 18/8/2017, gần 50 học viên Lớp bồi dưỡng về các phương pháp nghiên cứu quặng ẩn sâu do Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức tham quan, tìm hiểu học tập kinh nghiệm khai thác mỏ tại Núi Pháo.

Ngoài ra, Núi Pháo đã đón hàng chục đoàn khách thuộc các ngành nghề, lĩnh vực công tác khác nhau, như Đoàn mỏ đồng Sinh Quyền – Lào Cai; nhóm đặc trách về khai khoáng APEC gồm các chuyên gia, các nhà kinh tế, các quan chức, chuyên viên trực thuộc các Bộ chủ quan của ngành Khai khoáng từ các nước như Australia, Canada, Chile, Trung Quốc, Mỹ, Thái Lan…

Đoàn biệt, đoàn đặc trách về khai khoáng của APEC 2017 về thăm Núi Pháo đã dành nhiều lời ngợi khen công nghệ khai thác và chế biến sâu, công tác bảo vệ môi trường, phát triển bền vững và an sinh xã hội của Dự án.

Với chính sách minh bạch thông tin, công khai các hoạt động của Công ty cùng đội ngũ được đào tạo toàn diện về chuyên môn lẫn các chuẩn mực văn hoá và đạo đức trong vận hành và khai thác mỏ, Núi Pháo đang đóng góp một phần tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế tỉnh Thái Nguyên. Đặc biệt, các chính sách phát triển bền vững đã góp phần cải thiện cuộc sống của người dân sống trực tiếp quanh dự án, tạo nên những giá trị tốt đẹp và nhân văn đối với cộng đồng và môi trường sống của người dân nơi đây.

Source: Báo Tiền phong