Masan High-Tech Materials: Môi trường lao động an toàn – Động lực thúc đẩy phát triển bền vững
Theo số thống kê của Hội đồng An toàn – Vệ sinh lao động tỉnh Thái Nguyên năm 2021 toàn tỉnh xảy ra 102 vụ tai nạn lao động làm 104 người bị tai nạn lao động giảm 36 vụ và 35 người bị nạn so với năm 2020, trong đó tai nạn lao động chết người là 15 vụ và 16 người chết. Nhìn chung các doanh nghiệp đã có ý thức trong việc chấp hành các quy định pháp luật về lao động, duy trì tương đối tốt các điều kiện về công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ. Người sử dụng lao động đã quan tâm và chú trọng đến việc tuyên truyền về an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ tại nơi làm việc. Các doanh nghiệp đã tổ chức nhiều cuộc thi an toàn vệ sinh ở cơ sở, tọa đàm tìm hiểu về pháp luật lao động tại các cơ sở sản xuất. Tuy nhiên, việc thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp chưa thực sự đồng bộ và hiệu quả, một số doanh nghiệp vẫn mang tính hình thức và chống đối, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn còn chưa quan tâm đến công tác an toàn, vệ sinh lao động. Bên cạnh đó vẫn có nhiều doanh nghiệp nỗ lực thực hiện tốt công tác ATVSLĐ, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, đơn cử như Công ty TNHH Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo (công ty thành viên của Masan High-Tech Materials).

Được đánh giá là một trong trong những doanh nghiệp thực hiện tốt công tác ATVSLĐ trên địa bàn tỉnh, trong nhiều năm qua, Công ty Núi Pháo luôn chú trọng quan tâm đến sức khỏe và an toàn lao động cho tất cả cán bộ, công nhân viên (CB-CNV) trong toàn Công ty. Với số lượng lao động lớn và đặc thù ngành khai thác, chế biến khoáng sản rủi ro cao, nên công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động luôn được Núi Pháo đưa lên hàng đầu với phương châm “Mọi người đều trở về nhà an toàn và khỏe mạnh sau mỗi ngày làm việc tại Masan High-Tech Materials”.
Xác định an toàn để sản xuất, sản xuất là phải an toàn. Công ty đã xây dựng và ban hành hệ thống chính sách, tiêu chuẩn, nội quy, quy định, quy trình, quy tắc và các hướng hẫn, chỉ dẫn về An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ). Tất cả CB-CNV đều được huấn luyện, truyền đạt và thông tin trước và trong quá trình làm việc. Các mối nguy, công việc nguy hiểm đều được thể hiện rõ trong các bản đánh giá rủi ro và các hành động kiểm soát, khắc phục được đưa ra cụ thể để thực hiện. Trạm Y tế được Công ty trang bị các dụng cụ, phương tiện, máy móc kỹ thuật hiện đại; đồng thời, việc kiểm tra, bảo dưỡng thường xuyên nhằm bảo đảm luôn sẵn sàng phục vụ ứng cứu, sơ cứu khi có tai nạn, sự cố xảy ra.
Căn cứ theo hướng dẫn tại điều 76, Luật ATVSLĐ và tình hình thực tế Công ty đã xây dựng Kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động. Kế hoạch được thực hiện bởi các phòng, ban liên quan dưới sự giám sát của Bộ phận Sức khỏe và An toàn. Hiện tại, Công ty đang sử dụng 87 máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ. Tất cả đều được kiểm định và cấp chứng chỉ bởi tổ chức có chức năng, chuyên môn. Việc khai báo sử dụng được tuân thủ đúng theo quy định. Ngoài ra Công ty đang sử dụng 40 thiết bị bức xạ, trong đó có 37 nguồn phóng xạ và 3 thiết bị phát tia X. Tất cả các thiết bị đều được khai báo và được cấp phép sử dụng của Cục An toàn bức xạ hạt nhân.
Công ty đã quy định rất rõ và cụ thể về việc quản lý và trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động; thực hiện việc cấp phát trang thiết bị bảo vệ cá nhân cho người lao động theo đúng quy định. Năm 2021, Công ty thực hiện khảo sát ý kiến người lao động về chất lượng các phương tiện bảo vệ cá nhân, với kết quả phần lớn là ý kiến đánh giá tốt…
Hằng năm, Công ty đều xây dựng kế hoạch huấn luyện ATVSLĐ cho toàn bộ CB-CNV theo quy định. Năm 2022, để thích ứng với trạng thái “bình thường mới” sau khi dịch Covid-19 được khống chế, Công ty đã ký hợp đồng đào tạo với đơn vị đủ chức năng, quyền hạn để thực hiện kế hoạch đào tạo cho toàn bộ CB-CNV. Đến cuối tháng 4 và đầu tháng 5, đã triển khai được một số lớp cho nhóm 1, 2 và 5. Ngoài ra, Công ty còn triển khai và duy trì thường xuyên chương trình đào tạo, huấn luyện nội bộ về ATVSLĐ với nhiều chủ đề, nội dung khác nhau và gắn liền với công tác an toàn tại doanh nghiệp nhằm cung cấp thông tin và hướng dẫn cho CB-CNV Công ty được thiết thực và hiệu quả. Hồ sơ liên quan đến hoạt động huấn luyện ATVSLĐ luôn được Công ty theo dõi và cập nhật thường xuyên. Song song việc tổ chức huấn luyện cho CBCNV, Công ty đã xây dựng thêm các các kênh thông tin, tuyên truyền, giáo dục về ATVSLĐ tại Công ty theo hướng đa dạng hóa để truyền đạt tới nhiều người lao động một cách nhanh chóng, kịp thời…
Nhờ thực hiện tốt các biện pháp trên, tính từ năm 2018 cho đến nay, Công ty chưa có trường hợp nào được ghi nhận là mắc bệnh nghề nghiệp; năm 2021 chỉ xảy ra 3 vụ tai nạn lao động nhẹ; từ đầu năm đến nay là 1 vụ; không có người chết vì tai nạn lao động…
Việc quan trắc môi trường lao động được Công ty kết hợp với Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường thực hiện theo định kỳ để kịp thời có biện pháp để cải thiện môi trường làm việc, kiểm soát các yếu tố có hại, như: tiến hành bảo trì, bảo dưỡng thiết bị toàn nhà máy 2 lần/năm; đánh giá, nghiên cứu lắp đặt các rào chắn bảo vệ, tấm chắn an toàn, cho các vùng chuyển động nguy hiểm, những vị trí có nguy cơ kẹp, hút, cuốn, cắt… của các thiết bị, máy móc; lắp đặt, bảo dưỡng các bộ phận an toàn của thiết bị nhằm cải thiện và duy trì mức độ an toàn; kiểm tra, bảo dưỡng các thiết bị phát hiện và cảnh báo khí độc cố định cho một số khu vực có nguy cơ phát sinh khí độc như: thiết bị phát hiện và cảnh báo khí HCN, H2S…
Trong quá trình hoạt động sản xuất, toàn bộ nước thải của Công ty được thu gom, xử lý đảm bảo đạt giới hạn xả thải theo giấy phép xả nước thải trước khi xả ra ngoài môi trường. Công ty thực hiện quan trắc liên tục, tự động tại các cửa xả nước thải theo quy định. Hiện tại, Công ty đang vận hành 03 trạm quan trắc nước thải tự động, liên tục và số liệu tại các trạm quan trắc này được truyền trực tuyến về hệ thống tiếp nhận dữ liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường để được theo dõi, kiểm soát. Ngoài ra, Công ty cũng thực hiện lấy mẫu hàng ngày tại các công trình xử lý nước thải và các cửa xả, phân tích tại phòng thí nghiệm của Công ty SGS Việt Nam ngay tại mỏ phục vụ kiểm soát nội bộ. Kết quả quan trắc cho thấy chất lượng nước thải tại cửa xả DP2 và DP3 luôn nằm trong giới hạn cho phép của giấy phép xả thải…
Ông Ashley McAleese, Giám đốc Điều hành Công ty TNHH Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo cho biết: Chúng tôi có hai phương pháp tiếp cận chính trong công tác ATVSLĐ, đó là tiếp cận từ trên xuống dưới và từ dưới lên trên. Phương pháp tiếp cận từ trên xuống dưới là đặt ra các tiêu chuẩn và hệ thống để người lao động thực hiện công việc của mình một cách đúng đắn và bảo đảm tuân thủ trong công việc hàng ngày. Từ đó, chúng tôi kiểm tra và giám sát lẫn nhau tại doanh nghiệp. Đối với phương pháp tiếp cận từ dưới lên trên, chúng tôi lắng nghe nhân viên của mình, nỗ lực xác định mọi cơ hội để cải thiện công tác ATVSLĐ không chỉ cho cá nhân mà là toàn bộ tập thể.. Nhờ đó, các vấn đề luôn được cải thiện và giải quyết kịp thời để đảm bảo rằng người lao động có môi trường làm việc an toàn.
Đằng sau mỗi người lao động là một gia đình vì thế việc đảm bảo ATVSLĐ là vấn đề được Công ty TNHH Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo chú trọng đặt lên hàng đầu để người lao động được làm việc trong môi trường an toàn và cũng từ đó giúp họ gắn bó và cống hiến vào sự phát triển chung của doanh nghiệp.
Nguồn: Báo Thái Nguyên