Núi Pháo – Ngày trở lại
Trở lại Núi Pháo một buổi chiều tháng 5, ông Đoàn Văn Hùng bồi hồi đứng trước khu vực moong khai thác rộng 90 ha của Mỏ, cố gắng hình dung lại vị trí của mảnh đất xưa kia nơi ông từng sinh ra và lớn lên. Thay vì tiếc nuối, người cựu chiến binh này cảm thấy rất tự hào khi đã bàn giao đất để phục vụ Dự án. Tận mắt chứng kiến tổ hợp chế biến vật liệu chất lượng cao và hiện đại trong khuôn viên nhà máy, ông Hùng khẳng định quyết định của gia đình ông cách đây hơn 10 năm là vô cùng đúng đắn.
Ngày trở về không chỉ một mình mà đồng hành cùng ông Hùng là các đồng đội Cựu chiến binh thuộc tổ dân phố Sơn Hà – tất cả cùng chung một nơi từng là nơi chôn rau cắt rốn: vùng đất mang tên Núi Pháo.
Với những người cựu chiến binh từng vào sinh ra tử này, Núi Pháo là địa điểm vừa quen vừa lạ. Quen bởi họ đã sinh sống ở đây suốt nửa đời người, lạ bởi chỉ 10 năm trở lại đây, Núi Pháo đã biến thành một khu vực hoàn toàn khác, với moong khai thác hùng vĩ, những tổ hợp chế biến rực sáng ánh đèn, những mảnh rừng xanh mát ở các vùng đệm quanh nhà máy.
“Hơn 10 năm trước, Núi Pháo còn là những cánh đồng lúa và núi đồi, tình hình kinh tế – xã hội gặp nhiều khó khăn. Nhưng Núi Pháo của hơn 10 năm sau đã chuyển mình mạnh mẽ, chuyên nghiệp hơn, hiện đại hơn, đóng góp vào sự phát triển không chỉ trên địa bàn huyện Đại Từ mà của cả tỉnh Thái Nguyên nói chung”, ông Hùng chia sẻ.
Mặc dù phải di rời nhà cửa để bàn giao đất cho dự án, nhưng các gia đình cựu chiến binh như ông Hùng không buồn. Tại Tổ dân phố Sơn Hà, khu tái định cư mới, một Chi hội Cựu Chiến binh đã được thành lập và sinh hoạt thường xuyên. Đến nay, Chi hội Cựu Chiến binh tổ dân phố Sơn Hà đã thành lập tròn 10 năm và đó cũng là lý do để những người lính tổ chức một lễ kỷ niệm vui vẻ, nhưng không kém phần xúc động.

35 Cựu Chiến binh đã cùng nhau tụ hội ở nhà máy để thăm lại mảnh đất chôn rau cắt rốn, vừa ôn lại kỷ niệm, vừa mừng cho sự phát triển kinh tế xã hội ở địa phương, kể từ ngày mỏ Núi Pháo chính thức đi vào hoạt động.
Ông Đỗ Xuân Quế, nguyên Trưởng xóm 1 xã Hà Thượng nhớ lại: “Nhận thấy tầm quan trọng của Dự án Núi Pháo ngay từ những ngày đầu, tôi và gia đình rất sẵn lòng nhận bồi thường, di chuyển lên khu tái định cư Nam Sông Công, bàn giao lại đất đai để phục vụ Dự án”.
Ông cho biết thêm: “Ngày hôm nay quay lại đây, chứng kiến sự lớn mạnh của Công ty cũng như một diện mạo phát triển mới của quê hương, tôi rất vui và tự hào vì bản thân đã có một quyết định đúng đắn.”
Các cựu chiến binh rất vui khi nghe đại diện Ban Lãnh đạo Công ty khái quát một số hoạt động khai thác, quy trình sản xuất và các sản phẩm chính của Công ty cũng như tình hình sản xuất, kinh doanh cùng các hoạt động hỗ trợ phát triển cộng đồng, đóng góp cho Ngân sách Nhà nước.



Đặc biệt, Công ty Núi Pháo luôn chú trọng thực hiện tốt các công tác bảo vệ môi trường, tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho cộng đồng dân cư lân cận Dự án. Chứng kiến: Khu vực moong khai thác; bãi thải phía Bắc, phía Nam; Trạm quan trắc nước thải tự động; Trạm xử lý nước thải… các thành viên trong đoàn đã có cái nhìn toàn diện, sâu sắc hơn và tỏ ra ngưỡng mộ trước những quy trình hoạt động bài bản, khoa học và chuyên nghiệp của Công ty.
Ông Đoàn Văn Hùng, Chi hội trưởng Hội Cựu Chiến binh TDP Sơn Hà bộc bạch: “Công ty Núi Pháo không bao giờ quên chúng tôi và luôn đồng hành cùng cộng đồng và Chi hội Cựu Chiến binh TDP Sơn Hà”.
Kết thúc chuyến thăm, các Cựu chiến binh chúc Công ty ngày càng phát triển, đem lại lợi ích kinh tế cho cộng đồng, địa phương.