‘Ông trùm’ vonfram đặt mục tiêu doanh thu 18.200 tỉ đồng năm 2023

Apr 21, 2023

Masan High-Tech Materials – doanh nghiệp sản xuất vonfram lớn nhất của Việt Nam đang tăng trưởng mạnh mẽ với mô hình kinh tế tuần hoàn tích hợp đầy đủ chuỗi chu trình khép kín bao gồm: thu gom, xử lý tái chế vật liệu phế liệu, trả lại nguyên liệu sản xuất.

Doanh thu tăng thêm 1.985 tỉ đồng so với năm 2021

Sáng 18.4,Công ty cổ phần Masan High-Tech Materials tổ chức Đại hội đồng cổ công thường niên tại Hà Nội với chủ đề: Tăng trưởng bền vững.

Thông tin trước các cổ đông, ông Craig Richard Bradshaw, Tổng giám đốc Masan High-Tech Materials, cho rằng doanh nghiệp này đã trải qua một năm kinh doanh nhiều thử thách, vượt qua những biến động của thị trường trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, doanh thu từ vonfram, tỉ lệ tái chế phế liệu vonfram đều tăng đã góp phần tạo ra kỷ lục về doanh thu năm 2022.

Ông Craig Richard Bradshaw chia sẻ thông tin tại Đại hội cổ đông

Theo ông Craig Richard Bradshaw, nhờ nhu cầu và giá các sản phẩm vonfram tiếp tục tăng mạnh, Masan High-Tech Materials đạt doanh thu 15.550 tỉ đồng, tăng 1.985 tỉ đồng, tăng gần 15% so với năm 2021.

Doanh thu từ vonfram tăng 13%, trong đó 70% đến từ các sản phẩm vonfram cận sâu – vonfram cacbua và bột vonfram của H.C.Starck Tungsten Powders – công ty thành viên của Masan High-Tech Materials có trụ sở tại Đức (H.C.Starck). Cụ thể, lợi nhuận trước lãi vay, khấu hao và thuế tăng 5%, đạt 3.203 tỉ đồng. Đây cũng là năm Masan High-Tech Materials có lợi nhuận trước lãi vay, khấu hao và thuế cao thứ hai từ trước đến nay.

Năm 2022, sản lượng vonfram từ hoạt động tái chế của H.C.Starck tăng 13%. Doanh nghiệp này tập trung vào tăng sản lượng từ nguồn cung thứ cấp (tái chế phế liệu), phù hợp với định hướng chiến lược của Masan High-Tech Materials là: giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế.

Mô hình kinh tế tuần hoàn tích hợp kỳ vọng tạo ra doanh thu ‘khủng’

Ngay trước thềm đại hội cổ đông thường niên năm 2023, Masan High-Tech Materials tiếp tục ra mắt nhiều sản phẩm thương hiệu vonfram, cùng với xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn tích hợp theo chuỗi khép kín được kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp này tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ.

Cụ thể, tháng 2.2023, H.C.Starck chính thức ra mắt thương hiệu bột vonfram đăng ký bản quyền toàn cầu ‘starck2charge®’ sử dụng trong sản xuất pin li-ion sạc nhanh và an toàn. Sản phẩm này được kỳ vọng giúp giải quyết những bài toán năng lượng mới và tạo ra hệ sinh thái năng lượng sạch, đặc biệt đóng vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp ô tô điện.

Cuối tháng 3 vừa qua, H.C.Starck đã ra mắt thương hiệu ‘starck2print®’ – sản phẩm hỗn hợp bột vonfram phục vụ cho các ngành công nghiệp sử dụng công nghệ in 3D với độ ổn định và tinh khiết cao, đặc biệt phù hợp trong lĩnh vực y tế; ‘starck2charge®’ và ‘starck2print®’ là thế hệ sản phẩm mới, giải pháp mới của Masan High-Tech Materials đáp ứng nhu cầu của các công ty công nghệ tiên tiến và các ngành công nghiệp toàn cầu.

Trên cơ sở thành công của dự án tinh luyện vonfram và sản xuất các dòng sản phẩm vonfram công nghệ cao, Masan High-Tech Materials dự kiến triển khai dự án xây dựng nhà máy tái chế Vonfram đầu tiên và lớn nhất châu Á tại Thái Nguyên, đặt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành trung tâm phát triển công nghệ tái chế vonfram và các kim loại quý hàng đầu khu vực.

Theo thông tin công bố tại đại hội cổ đông, trong năm nay, Masan High-Tech Materials tập trung xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn tích hợp đầy đủ chuỗi chu trình khép kín bao gồm: thu gom, xử lý tái chế vật liệu phế liệu, trả lại nguyên liệu sản xuất.

Theo đó, vonfram sẽ được thu hồi từ các sản phẩm pin và in 3D đã qua sử dụng và đưa vào tái chế, trở thành nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản phẩm mới. Trong năm nay, Masan High -Tech Materials kỳ vọng đạt doanh thu khoảng 16.500 – 18.200 tỉ đồng, tăng 6 – 17% so với năm 2022.

Nguồn: Báo Thanh niên