Tham vọng với mỏ Vonfram ở Thái Nguyên và những điều chưa kể về ngành khoáng sản của Masan High-Tech Materials

Jul 14, 2022

Ông Craig Bradshaw trở thành CEO của Masan High-Tech Materials (MHT – thành viên tập đoàn Masan) sau 12 năm làm việc trong ngành khoáng sản tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tham vọng của ông là cùng Ban Lãnh đạo Tập đoàn Masan đưa Núi Pháo trở thành một địa chỉ không chỉ khai thác chế biến nguyên liệu thô mà có thể sản xuất và bán ra những sản phẩm sáng tạo cho khách hàng toàn cầu, biến rác thải sản xuất thành những nguyên liệu mới.

Trong buổi trao đổi với Trí Thức Trẻ, CEO MHT cầm chiếc điện thoại iPhone trên tay và say sưa kể: thông thường các loại pin sạc sẽ bị chai đi sau 3 năm sử dụng và chất lượng của nó không còn được tốt như ban đầu. Vậy làm thế nào để những chiếc pin này có thể hoạt động trong 5 – 6 năm? Ông giải thích rằng, nghiên cứu của MHT đã phát hiện lớp phủ Vonfram có trong pin và ứng dụng Vonfram công nghệ cao có thể giúp tăng tuổi thọ của sản phẩm gấp 5 – 10 lần so với công nghệ hiện tại.

Masan High-Tech Materials (đơn vị sở hữu và phát triển dự án Núi Pháo) là một thành viên của Tập đoàn Masan tập trung vào các hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản như Vonfram, đồng, florit… MHT là nhà cung cấp vật liệu Vonfram tiên tiến công nghệ cao hàng đầu thế giới được sử dụng trong các ngành công nghiệp then chốt như điện tử, hóa chất, ô tô, hàng không vũ trụ, năng lượng và dược phẩm. Đồng thời MHT cũng là nhà sản xuất các sản phẩm Vonfram cận sâu lớn nhất thế giới ngoài Trung Quốc với 4 cơ sở sản xuất tại 4 quốc gia và 2 trung tâm R&D tại Đức và Việt Nam.

Sau 12 năm làm việc trong ngành khoáng sản tại Australia, rồi chuyển tới làm việc tại Thái Lan và Lào, ông đã quyết định dừng chân tại Việt Nam đến nay cũng hơn 10 năm. Điều gì khiến ông quyết định ở lại Việt Nam lâu như vậy?

Ở các công ty trước đây tôi làm đã có sẵn mỏ khai thác và các quy trình sản xuất, trọng trách của tôi là mang lại sự thay đổi, tinh chỉnh lại bộ máy, giúp cho các quy trình vận hành một cách trơn tru và đúng đắn. Lý do tôi đến Việt Nam là cơ hội có thể xây dựng một thứ gì đó từ đầu tại đất nước này theo đúng văn hóa và quy trình tôi mong muốn, thay vì phải đi tinh chỉnh lại những quy trình có nhiều tồn tại trước đó.

Thực ra, ở Australia, ngành khai khoáng đã khá là trưởng thành rồi nên tôi rất dễ dàng tìm được những người có thể hiểu rõ về ngành này. Tuy nhiên, sau này tôi thấy lao động Australia không còn chăm chỉ như trước nữa. Trong khi đó ở Việt Nam, lực lượng lao động có thể thiếu kỹ năng và kinh nghiệm nhưng họ lại rất chăm chỉ, nhiệt tình và ham học hỏi.

Với những người như vậy, tôi có thể giúp họ rất khai phá và phát triển bản thân. Tôi có thể cho họ kinh nghiệm và chỉ cho họ làm sao để có thể trở thành một người điều hành giỏi, hiểu rõ về công nghệ trong ngành và có được lộ trình nghề nghiệp rõ ràng.

Đi cùng MHT từ những ngày đầu tiên, theo ông, đâu là khó khăn lớn nhất đối với công ty trong quá trình “vươn ra toàn cầu”?

Khó khăn sẽ thay đổi theo thời gian. Tôi đi cùng Núi Pháo từ những ngày mọi thứ trên Thái Nguyên còn sơ khai. Khi ấy, tôi phải tiến hành nghiên cứu thị trường toàn cầu và đánh giá thị trường Việt Nam. Ngoài ra, cần phải xem xét các loại thuế, chính sách, hỗ trợ từ phía Chính phủ.

Chúng tôi nhìn nhận và xác định rõ việc mình sẽ phải cạnh tranh với các công ty ở Mỹ hay châu Âu. Họ có lợi thế về vốn rẻ, lãi suất cũng thấp hơn nhiều so với Việt Nam tại thời điểm đó. Vì vậy, chúng tôi buộc phải vận hành với chi phí rẻ hơn nhưng vẫn phải đem lại hiệu quả.

Một thách thức khác được đặt ra là trữ lượng các mỏ khoáng sản có thể hết một cách tự nhiên trong 10 hoặc 20 năm nữa. Vì vậy, từ doanh nghiệp chủ yếu dựa vào khai thác quặng, chúng tôi chuyển dần sang việc tái chế. Chúng tôi đã sẵn sàng cho quá trình này với việc đưa công nghệ tái chế từ Đức về Việt Nam.

Trong ngành khai thác khoáng sản không thể không nói về những rủi ro do ô nhiễm môi trường. Với công nghệ của mình, MHT đã và sẽ làm gì để ngăn chặn và giảm thiểu nguy cơ này?

Trên thực tế có những công ty và doanh nghiệp làm rất tốt việc này nhưng cũng có những nơi làm chưa tốt. Tôi luôn cố gắng đưa Masan vào nhóm tốt. Chúng tôi phát triển hạ tầng cho phép phân tích kết quả theo thời gian thực và đưa dữ liệu lên trực tuyến hàng ngày hàng giờ để ai cũng có thể theo dõi các chỉ số này.

Chúng tôi luôn chú trọng vào chất lượng không khí và đảm bảo rằng các chỉ số luôn đạt chuẩn. Trường hợp Việt Nam chưa có tiêu chuẩn, vậy chúng tôi sẽ tuân theo tiêu chí quốc tế.

Năm 2020, chúng tôi đã quyết định mua lại công ty H.C. Starck của Đức. Đây là nhà sản xuất hàng đầu thế giới về kim loại công nghệ (technology metals) và đang dẫn đầu thị trường thế giới, đặc biệt là về Vonfram, vật liệu được khai thác tại Núi Pháo. Chúng tôi nhìn thấy cơ hội ở đây.

Vonfram (còn gọi là Wolfram) còn được ký hiệu là W, có khả năng chống vỡ hơn kim cương và cứng hơn thép rất nhiều.

Ứng dụng chính của Vonfram trong hơn 100 năm qua là dây tóc trong bóng đèn sợi đốt. Do có thể chịu được nhiệt độ cao và có điểm nóng chảy cao nên nó được dùng trong các ứng dụng nhiệt độ cao khác như: đèn, đèn pha, bộ phận làm nóng trong lò điện, lò vi sóng, ống tia X và ống tia âm cực (CRTs ) trong màn hình máy tính và tivi, ống đèn tia âm cực, thiết bị sưởi, và sợi ống chân không, và các loại vòi phun động cơ tên lửa, tạo ra dây vofram, nhẫn vonfram…

Do tính dẫn điện và có tính trơ hóa hóa học tương đối cao của nó, Vonfram cũng còn được dùng trong việc làm điện cực, và các nguồn phát xạ trong các thiết bị tạo ra chùm tia điện tử dùng súng phát xạ trường như là kính hiển vi điện tử.

Vonfram còn được dùng làm các màng kim (hoặc molypden) loại phủ trên miếng silicon để thay thế dây dẫn được dùng trong điện tử thông thường. Trong ngành điện tử, kim loại Vonfram còn được dùng làm vật liệu kết nối trong những vi mạch, giữa vật liệu điện môi transistor và silic đioxit. Các loại thanh Vonfram, Vonfram alpha, Vonfram math.

Thay vì chỉ xuất khẩu nguyên liệu thô, chúng tôi có thể sản xuất và thương mại hóa những sản phẩm công nghệ cao, cung cấp các giải pháp sáng tạo, đáp ứng nhu cầu của khách hàng toàn cầu. Đây không chỉ là cơ hội để chúng tôi đi lên trên chuỗi cung ứng, sản xuất sản phẩm có giá trị cao hơn, mà còn giúp chúng tôi tiếp cận những công nghệ mà chúng tôi trước đây không thể. Việc này giúp chúng tôi tiết kiệm 10-20 năm. Đây là một bước nhảy xa trong kế hoạch phát triển công ty.

Chúng tôi là một doanh nghiệp luôn muốn tiến về phía trước, không bằng lòng với những thành tựu của hiện tại. Vì vậy, khi quyết định mua lại H.C. Starck, chúng tôi có cơ hội mang đến những kết quả kinh doanh tuyệt vời. Quan trọng hơn là chúng tôi có thể đưa những cải cách vượt trội này lên thị trường.

Thực ra, trong ngành này, không có ai là hoàn hảo cả và tôi có thể nói rằng tại một thời điểm nào đó, chúng tôi có những việc không đúng như dự tính. Nhưng chúng tôi sẽ tìm hiểu vấn đề và sửa chữa nó và đảm bảo rằng những lỗi này sẽ không lặp lại.

MHT có kế hoạch hay hoạt động gì thúc đẩy quy trình tái sử dụng nhằm bảo vệ môi trường không?

Hiện tại, chúng tôi liên tục tái chế khoảng 75% lượng nước trong toàn bộ nhà máy. Ngoài ra, chúng tôi mua phế liệu và chất thải từ khắp nơi trên thế giới, như phế liệu Vonfram, chất thải Vonfram để tái chế thành nguyên liệu mới vì chúng ta đâu thể khai thác khoáng sản mãi mãi được. Vì vậy, MHT chủ trương phát triển các biện pháp tái chế hiệu quả để có thể phục hồi khoáng sản một cách tự nhiên.

Chúng tôi đưa phế liệu Vonfram về Đức để sơ chế ban đầu. Sau đó, những nguyên liệu này sẽ được chuyển về Việt Nam để hoàn thiện những bước cuối cùng của quy trình tái chế. Trong vòng 2 năm tới, chúng tôi sẽ đầu tư vào các cơ sở tái chế để có thể tái chế hoàn toàn phế liệu Vonfram, mạt Vonfram, dụng cụ Vonfram tại Việt Nam.

Vì vậy, tương lai của chúng tôi tập trung rất nhiều vào việc tái chế các vật liệu ban đầu có chứa Vonfram. Ngoài ra, chúng tôi đang phát triển các công nghệ để có thể tái chế các vật liệu từ pin, coban, niken, đồng và các khoáng sản quan trọng đối với năng lượng tái tạo, điện khí hóa, đô thị hóa. Bằng việc này, chúng tôi muốn trở thành doanh nghiệp tiên phong trong việc biến rác thải sản xuất thành nguyên liệu mới.

MHT gắn với những giá trị nào trong hệ sinh thái Masan? Những giá trị cốt lõi, tập nhìn của tập đoàn Masan có ảnh hưởng thế nào tới mục tiêu phát triển, chiến lược của MHT?

Giá trị cốt lõi của chúng tôi là đổi mới sáng tạo và kiến tạo giải pháp cho khách hàng. Với những lời hứa và cam kết đã đặt ra chúng tôi chắc chắn sẽ thực hiện, từ công tác an toàn, bảo vệ môi trường đến giá trị gia tăng cho khách hàng.

Chúng tôi luôn cố gắng mang lại những sản phẩm khách hàng mong muốn. Chúng tôi luôn đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: họ muốn gì, họ cần gì vào thời điểm hiện tại và trong 5 năm, 10 năm tới. Chúng tôi cố gắng đảm bảo phát triển sản phẩm tới mức tốt nhất cho người dùng.

Tôi lấy ví dụ về chiếc điện thoại của chúng ta vẫn dùng, pin điện thoại sẽ bị chai theo thời gian. Từ ngày đầu tiên bạn dùng, pin đã bắt đầu chai đi và sau 3 năm, bạn sẽ phải thay pin điện thoại vì chất lượng của nó không còn được tốt nữa nhưng điện thoại thì vẫn tốt. Vậy chúng tôi phải làm cách nào để chiếc pin đó hoạt động trong 5 – 6 năm, thay vì 3 năm như hiện tại.

Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi phát hiện lớp phủ ca-tốt làm từ Vonfram trong pin sẽ kéo dài tuổi thọ cho pin. Đây cũng là một phần trong quy trình tái chế giúp giảm lượng rác thải. Chúng tôi dùng chính những phần pin bỏ đi để cải thiện sự bền vững của sản phẩm.

Về cải tiến, chúng tôi tập trung vào công nghệ thông minh: phát triển sản phẩm của mình thông minh hơn, tiêu hao ít năng lượng hơn, thân thiện với môi trường hơn những vẫn đảm bảo chất lượng và tối ưu hóa chi phí. Có thể nói đổi mới là điều cốt lõi chúng tôi đang cố gắng đạt được.

Ngoài ra, hiện tại chúng tôi thiên về tái chế nhiều hơn là khai thác. Khá nhiều sản phẩm của chúng tôi sử dụng những nguyên liệu được xử lý từ quy trình tái chế. Điều này cũng giúp các mỏ khoáng sản có thể hồi phục và góp phần bảo vệ môi trường.

Mục tiêu của ông và MHT trong 5 năm tới là gì? Mục tiêu này tiếp cận với tầm nhìn phát triển và chiến lược của Tập đoàn Masan thế nào?

Các nghiên cứu của chúng tôi cho thấy nơi này vẫn còn nhiều mỏ tiềm năng. Trong 5 năm tới, chúng tôi muốn mở rộng khu vực khai thác của Núi Pháo, để có thể tiếp tục vận hành và phát triển các mỏ tiềm năng đó trong 20-30 năm tới.

Bên cạnh đó, chúng tôi muốn đầu tư nhiều hơn vào hạ tầng tái chế Vonfram ở Việt Nam bằng cách đưa công nghệ từ Đức sang đây. Đến năm 2024, chúng tôi sẽ tái chế nhiều hơn nữa, biến rác thải sản xuất thành nguyên liệu mới. Chúng tôi muốn mở rộng thêm, không chỉ là Vonfram mà còn có cả Côban, Đồng, Lithium… Từ đó chúng tôi có thể đa dạng hóa sản phẩm cho khách hàng.

Ngoài ra, chúng tôi đang phát triển sản phẩm công nghệ tiên tiến gắn với thương hiệu của khách hàng. Chúng tôi nhận thấy đây là một ngành đang đi lên với lượng cầu ngày càng cao trong lĩnh vực khai thác khoáng sản cho các ngành quân sự, hàng không – vũ trụ, công nghiệp ô tô, năng lượng tái tạo. Kinh tế thế giới sẽ có lúc lên lúc xuống, nhưng lượng cầu Vonfram và các vật liệu tiên tiến từ các ngành công nghiệp toàn cầu luôn luôn hiện hữu.

Cảm ơn ông!

Nguồn: CafeF